Mỏ khai khoáng

Mỏ khai khoáng

Thực hiện Đề án Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành Công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 của Bộ Công Thương, t LAFCO đã tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện “Lộ trình đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến quặng apartit đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”.

Theo đó, LAFCO đã chỉ đạo đầu tư mới theo hướng hiện đại hóa một số dự án trọng điểm như: Dự án DAP Lào Cai, khai thác chế biến muối mỏ Lào, sản xuất NH3. LAFCO cũng chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu phát triển công nghệ, bám sát với nhu cầu thực tế như: Nghiên cứu xác định chiều sâu khai thác lộ thiên hợp lý đối với khoáng sàng Apatit Lào Cai; nghiên cứu chuyển hướng dòng chảy mặt, chọn độ sâu khai thác quặng II hợp lý khu mỏ Cóc - mỏ Apatit Lào Cai; nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao và ổn định chất lượng quặng tinh Apatit Lào Cai loại III đáp ứng yêu cầu sản xuất axit photphoric và phân bón DAP; nghiên cứu quy trình công nghệ tuyển và sản xuất thuốc tuyển quặng Apatit loại II Lào Cai... giúp các doanh nghiệp thực hiện đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản Apatit.

Trong công nghệ khai thác, LAFCO đã chú trọng đổi mới các khâu công nghệ như: Nổ mìn với chiều cao khai thác lớn để nâng cao hiệu quả phá vỡ đất đá, giảm chấn động; thay thế các thiết bị khoan cũ, lạc hậu bằng các thiết bị mới hiện đại như các loại máy khoan đập, đập xoay thủy lực...; sử dụng búa đập thủy lực để phá đá quá cỡ thay thế nổ mìn để giảm thiểu ô nhiễm môi trường; thay thế các máy xúc chạy điện cũ bằng các loại máy xúc thủy lực dung tích gầu phù hợp, quỹ đạo xúc linh hoạt, có khả năng xúc chọn lọc cao nhằm tiết kiệm tài nguyên; thay thế các loại ôtô vận tải đã cũ, tải trọng nhỏ bằng các loại ô tô mới, hiện đại có tải trọng thích hợp, khả năng hoạt động phù hợp với đặc điểm địa hình của mỏ.

Trong lĩnh vực chế biến quặng apatit, LAFCO đã đầu tư và bổ sung các thiết bị mới hiện đại có năng suất cao, tiêu tốn ít năng lượng và hoàn thiện công nghệ tuyển, giảm độ ẩm quặng tinh; đặc biệt tập trung nghiên cứu công nghệ tuyển và thuốc tuyển quặng apatit loại II phục vụ xây dựng nhà máy tuyển quặng loại II theo quy hoạch, bảo đảm tận thu tối đa tài nguyên; thay thế các máy lọc đĩa bằng máy lọc gốm, lọc ép để giảm độ ẩm quặng tinh từ 25% dưới 18%; thay thế thùng tuyển chính bằng thiết bị có dung tích lớn nâng cao năng suất tại Nhà máy tuyển Bắc Nhạc Sơn.

Ngoài ra, trong công tác vận tải, tập đoàn tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt công nghệ mỏ tại Công ty Apatit Việt Nam” nhằm nâng cao năng suất vận tải quặng các loại đảm bảo an toàn trong đường sắt công nghệ tại Công ty Apatit Việt Nam.

Để đáp ứng nguồn nhân lực, tập đoàn cũng đã triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo, bổ sung, nâng cao trình độ nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ tin học, quản lý kỹ thuật tại Công ty Apatit Việt Nam”. Qua đó, trình độ của các cán bộ khoa học kỹ thuật được nâng cao rõ rệt, tiếp cận gần hơn với trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới.